Đau cơ lưng thường mang đến cảm giác căng cứng và nhức mỏi, khiến người bệnh khó có thể tập trung vào công việc hàng ngày. Thậm chí nếu không có biện pháp khắc phục sớm, cuộc sống cũng như sinh hoạt thường nhật của bệnh nhân cũng chịu không ít ảnh hưởng. Bài viết sau đây tổng hợp một số thông tin liên quan đến tình trạng này như nguyên nhân, triệu chứng,… bạn đọc đừng bỏ lỡ nhé!
Đau cơ lưng là gì?
Đau cơ lưng có thể hiểu đơn giản là hiện tượng các sợi cơ ở vùng lưng bị căng giãn quá mức, dẫn đến hiện tượng viêm sưng và cảm giác nhức mỏi khó chịu cho người bệnh. Tình trạng này không phải một bệnh lý cụ thể mà được xếp vào dạng triệu chứng. Nguyên nhân gây ra đau cơ lưng cũng rất đa dạng, từ các tác động vật lý bên ngoài đến vấn đề nội tại trong cơ thể.
Bất cứ ai cũng có thể bị đau cơ lưng, bao gồm cả nam giới, nữ giới, người trẻ tuổi hay người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn cả là những người thường xuyên phải lao động chân tay, mang vác vật nặng. Nếu không sớm điều trị, tình trạng đau lưng, đau nhức cơ lưng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn khiến cuộc sống của bệnh nhân bị xáo trộn.
Nguyên nhân đau cơ lưng
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng đau cơ lưng, phổ biến trong đó có thể kể đến là:
- Chấn thương: Chấn thương được coi là nguyên nhân thường gặp nhất ở người bệnh bị đau nhức cơ lưng. Chấn thương có thể xảy ra trong làm việc, chơi thể thao hoặc điều khiển phương tiện giao thông. Dưới tác động mạnh của ngoại lực khi va đập, các cơ vùng lưng phải căng giãn tối đa rồi dẫn đến tình trạng căng thẳng quá mức.
- Làm việc quá sức: Nhiều người có đặc thù công việc phải ngồi nhiều, đứng nhiều hoặc hoạt động lưng liên tục, ví dụ như: Nhân viên văn phòng, lễ tân, vận động viên bóng ném, công nhân,… Chính việc phải vận động thể chất trong một thời gian dài đã khiến các sợi cơ lưng bị căng thẳng, cuối cùng dẫn đến đau nhức cấp tính.
- Lối sống ít vận động: Một lối sống ít vận động, lười thể thao cũng có thể là nguyên nhân của các cơn đau cơ lưng. Khi cơ thể không hoạt động thường xuyên, lưu thông máu đến các cơ lưng kém hơn, hậu quả là gây ra tình trạng đau, nhức mỏi rất khó chịu.
- Các bệnh lý xương khớp: Một số bệnh nhân đau nhức cơ lưng có liên quan đến những vấn đề nội tại của cột sống, ví dụ như thoái hóa cột sống, đĩa đệm thoát vị,… Các bệnh lý đều dễ gây ảnh hưởng cục bộ đến những bộ phận vùng lưng, bao gồm cả sợi cơ, dây chằng và dây thần kinh.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai cũng có thể phải đối mặt với cơn đau cơ lưng, nhất là ở khu vực thắt lưng. Nguyên nhân là vì sự phát triển của thai nhi cũng như những thay đổi hormone bên trong cơ thể người mẹ. Tuy nhiên, thường thì tình trạng này không quá nguy hiểm và có thể biến mất sau khi thai kỳ kết thúc.
- Sai tư thế: Có nhiều người bị sai tư thế khi mang vác vật nặng khi nằm ngủ hay khi ngồi làm việc,… Những vấn đề này đều có thể dẫn đến những cơn đau ở cơ lưng do cột sống cong vẹo và lưu thông tuần hoàn máu không được đảm bảo.
Triệu chứng đau cơ lưng
Người bệnh đau cơ lưng thường xuyên phải đối mặt với cảm giác căng cứng, nhức nhối rất khó chịu ở sau lưng. Tình trạng này có thể giảm bớt khi bệnh nhân nằm xuống nghỉ ngơi và hạn chế tối đa các loại vận động thể chất. Trong một số trường hợp, cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Ngoài cảm giác đau nhức đặc trưng, người bệnh còn có thể có một số triệu chứng đi kèm dưới đây:
- Chuột rút ở vùng lưng, người bệnh cảm thấy cột sống như cứng lại và không thể di chuyển khoảng vài phút.
- Lưng có hiện tượng sưng tấy hoặc nóng đỏ. Đa phần triệu chứng này xuất hiện khi nguyên nhân gây bệnh liên quan đến chấn thương.
- Người bệnh gặp khó khăn trong việc duỗi thẳng lưng, thậm chí có trường hợp gặp phải triệu chứng tê bì râm ran khó chịu.
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, ăn uống khó có cảm giác ngon miệng.
Ảnh hưởng của đau cơ lưng
Đau cơ lưng thường là tình trạng cấp tính, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi thư giãn cơ thể trong vài ngày là có thể bình phục hoàn toàn. Ngoài cảm giác khó chịu, đau nhức âm ỉ, hiện tượng này không có khả năng gây nguy hại đến tính mạng người bệnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu bệnh nhân không sớm có biện pháp xử lý thích hợp và duy trì lối sống kém lành mạnh trong thời gian dài thì có thể gặp phải những vấn đề sau đây:
- Chất lượng giấc ngủ giảm sút: Tình trạng này xảy ra khi những cơn đau ở cơ lưng kéo dài cả ngày lẫn đêm. Người bệnh khó có thể đi vào giấc ngủ dù đã đổi nhiều tư thế khác nhau. Từ đó dẫn đến việc chất lượng giấc ngủ giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng tập trung tinh thần của người bệnh vào ban ngày.
- Các biến chứng bệnh xương khớp: Nếu nguyên nhân gây đau cơ lưng là do bệnh xương khớp, người bệnh nên sớm điều trị để phòng tránh nguy cơ biến chứng như vỡ đĩa đệm, mất khả năng kiểm soát ruột, bàng quang, mất sức ở chân,…
Cách giảm đau cơ lưng hiệu quả
Người bệnh có thể áp dụng các cách giảm đau cơ lưng dưới đây:
- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn: Khi cơn đau xuất hiện, tốt nhất là người bệnh nên nghỉ ngơi. Việc này giúp cơ lưng được thư giãn và thả lỏng, giảm thiểu cảm giác đau nhức, căng cứng khó chịu một cách hiệu quả.
- Sử dụng bài thuốc chườm thảo mộc: Biện pháp chườm nóng với thảo mộc, ví dụ như ngải cứu, lá lốt,.. Được nhiều bệnh nhân áp dụng thành công. Những dược liệu này đều có khả năng chống viêm, giảm đau nhức và sưng tấy hữu hiệu, thích hợp dùng với các trường hợp bệnh xương khớp dài ngày.
- Chườm lạnh: Với những trường hợp chấn thương ngoài gây đau cơ lưng, chườm lạnh có thể giúp giảm nhức mỏi rất hiệu quả. Dưới tác động của nhiệt lạnh, các sợi cơ đang căng cứng sẽ nhanh chóng co lại đồng thời vết sưng tấy, tụ máu cũng cải thiện đáng kể.
- Thuốc giảm đau đường uống: Nếu bệnh nhân không có nhiều thời gian chuẩn bị, thuốc giảm đau đường uống (acetaminophen, ibuprofen) là lựa chọn tốt nhất. Thuốc có tác dụng nhanh tuy nhiên sẽ có tác dụng phụ nếu sử dụng dài ngày, vì vậy bệnh nhân không nên lạm dụng.
Đau cơ lưng là hiện tượng khá phổ biến và có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe bệnh nhân. Chính vì vậy, người bệnh nên chú ý bảo vệ sức khỏe cột sống, xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống nghỉ ngơi điều độ để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.